Ý NGHĨA NGÀY SÁCH - VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM 21/4
Như chúng ta đã biết từ xa xưa, đọc sách được coi là một việc hết sức thanh tao, người đọc sách là người có phẩm chất cao quý, có phong cách của một cao nhân, người ta đọc sách để đàm đạo những triết lý về đời sống, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất và quản lý xã hội. Song người ta còn đọc sách để thưởng thức, chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp, thấm thía ý nghĩa nhân văn thông qua nghệ thuật của người viết sách.
Có thể nói sách là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; sách còn là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi buồn vui sâu kín của mỗi con người. Và từ lâu, đọc sách đã trở thành mộ nhu cầu cần thiết của xã hội.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển của viễn thông, truyền hình và đặc biệt là CNTT, phong trào đọc sách có chiều hướng đi xuống. Đó là lẽ tất nhiên khi xã hội phát triển hiện đại. Song CNTT không thể thay thế cho sách. Với ưu thế đa dạng, tiện lợi, sách có thể sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi và ai cũng có thể sử dụng được. Hơn nữa, việc cầm trên tay một cuốn sách bằng giấy vẫn có nhiều sự thú vị rất tiêng của nó, nhất là khi đó là cuốn sách mà mình yêu thích. Đọc sách còn thể hiện nét văn hóa trong đời sống, đặc biệt là trong đời sống học đường.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Ngày sách Việt Nam đã thật sự tạo được không gian và môi trường văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho cộng đồng và toàn xã hội với nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều tầng lớp xã hội.
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo trong đời sống, sự kiện ngày sách thế giới ở Việt Nam đang trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của những người yêu mến sách cần được giới trẻ phát huy, duy trì và tuyên truyền và quảng bá rộng hơn trong xã hội và rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cơ quan chức năng để văn hóa đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu của những công dân văn minh trong thời đại mới.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam năm nay thư viện trường THCS Tân Phong rất mong các thầy giáo, cô giáo và các bạn học sinh tích cực đến thư viện để mươn sách, tìm kiếm thông tin phù hợp với nhu cầu dạy và học của thầy cô và các em. Đặc biệt là thực hiện tốt kế hoạch quyên góp, ủng hộ sách nhằm phát triển “Tủ sách dùng chung” của thư viện nhà trường với thông điệp góp một cuốn sách nhỏ – đọc ngàn cuốn sách hay.
Xin cảm ơn thầy cô và các em đã chú ý lắng nghe. Kính chúc thầy cô và các em mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc các em học sinh luôn chăm ngoan học giỏi.
Tổ trưởng Người thực hiện
Phạm Quang Sao Bùi Thị Thảo
|