BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3-2024
Cuốn sách: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa
Kính thưa quý thầy cô và các em!
Có một tác giả đã viết:
Em hướng về Trường Sa
Về ngọn cờ Tổ quốc
Hướng về anh bộ đội
Giữ niềm tin thiết tha
Lời thơ đưa ta đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nơi cửa ngõ của Việt Nam đang bị tranh chấp, nhòm ngó và đe dọa. Chính vì vậy việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang là vấn đề nóng bỏng đối với mỗi người dân Việt Nam và đặc biệt là thế hệ trẻ.
Buổi giới thiệu sách hôm nay tôi xin được giới thiệu tới thầy cô và các em cuốn sách: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Bằng chuyến du lịch đặc biệt qua từng trang viết, chú Nguyễn Xuân Thuỷ - một chiến sỹ đã có những năm tháng sống và làm việc trực tiếp ở Trường Sa, sẽ đưa chúng ta ghé thăm hầu hết các đảo để biết thêm về cuộc sống, thiên nhiên, cây cối, loài vật … trong quần đảo. Sách được NXB Kim Đồng ấn hành mùa hè năm 2011 và đạt giải vàng sách hay năm 2012 của Hội xuất bản Việt Nam.
Cuộc sống ở Trường Sa có gì đặc biệt và thiên nhiên nơi đây quyến rũ như thế nào là điều mà chắc hẳn chúng ta ai cũng muốn biết. Nhưng để vượt qua chặng đường gần 500 hải lí đến với Trường Sa là một việc không hề đơn giản. Chỉ với 90 trang, trên khổ giấy 14,5x20,5cm chúng ta sẽ được đến với Trường Sa, vùng biển - đảo xa xôi nơi tuyến đầu Tổ Quốc không chỉ là sứ sở sóng gió mà còn luôn chứa đựng những điều bí ẩn không phải ai cũng có cơ hội được thưởng ngoạn, khám phá.
Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa được chia làm 6 phần gồm: Ra đảo - Mùa biển lặng - Mùa biển động - Kì thú biển trời Trường Sa - Thám hiểm đáy biển Trường Sa và Những người giữ đảo.
Ra đảo là hành trình từ đất liền ra Trường Sa. Các bạn sẽ được làm quen với bến cảng, tàu, neo, các chú thủy thủ, bữa ăn, giấc ngủ trên tàu... và cả say sóng nữa đấy, suốt hải trình trên biển các bạn có thể được thấy những chú cá biết bay, hay những đàn cá heo thân thiện...và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.
Tiếp đến tác giả cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa Mùa biển lặng với Mùa biển động bằng những câu chuyện cụ thể và tỉ mỉ. Trong Mùa biển lặng chúng ta sẽ được bắt gặp những chú ỉn, hay những anh bạn gâu gâu... và cả những chú bồ câu nữa, cuộc sống trên đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn... thật là “lãng mạn”. Nhưng vào Mùa biển động, bốn bề dựng sóng bạc đầu, gió táp như xát muối, thương nhất là những vườn rau - đúng hơn là những chậu rau, khay rau, và cái Tết ở Trường Sa không thể đầy đủ như ở đất liền. Nơi đây thiếu thốn cả về vật chất lần tinh thần, vì vậy những món quà từ đất liền luôn là nguồn cổ vũ lớn lao với những người lính trên đảo Trường Sa đang ngày đêm bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Đến với Biển trời Trường Sa chúng ta còn bắt gặp nhiều cảnh vật, hiện tượng kỳ thú mà chỉ những người gắn bó thường xuyên với quần đảo mới được chứng kiến, đó là những chiếc “vòi rồng” như quái vật, những chiếc cầu vồng lộng lẫy bắc qua biển, hay những sắc màu nước biển biến ảo theo thời tiết ...
Nào chúng ta cùng Thám hiểm đáy biển Trường Sa, với muôn vàn kỳ thú. Ấy là những đàn cá muôn loài, muôn sắc, những anh bạn tôm kềnh càng đủ cỡ, những cô ốc “vừa đẹp vừa ngon” … rồi những “chị sò” trầm tích đáy biển, hay những chú vích khù khờ và thân thiện...
Nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là những câu chuyện về Những người giữ đảo. Đó là các chú bộ đội hải quân, công binh, ra-đa, cao xạ, cảnh sát biển... họ đang ngày đêm canh giữ biển cùng những người dân Trường Sa đang miệt mài lao động sản xuất xây dựng huyện đảo đẹp giàu. Ở Trường Sa, không chỉ có ngư dân mà còn có cán bộ khí tượng thủy văn, giáo viên và... đặc biệt là những công dân tí hon tuổi mẫu giáo, tiểu học. Những câu chuyện thường ngày ở đảo của họ thì nhiều vô kể và thú vị vô cùng...
Để cảm nhận Trường Sa qua từng trang viết mời bạn hãy tìm đọc tác phẩm Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa của nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ ở thư viện trường học hay các thư viện công cộng.
Đứng ở góc độ chủ quan của người thủ thư, tôi cho rằng không chỉ các em nhỏ mà người lớn, những bạn bắt đầu tìm hiểu về Trường Sa nên đọc sách để có thêm những kiến thức cơ bản về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi chúng ta cần tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Kính chúc thầy cô giáo và các em học sinh đón tuần học mới thật nhiều sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc!
Hẹn gặp lại thầy cô giáo và các em trong buổi giới thiệu sách tháng sau!
Xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo và các em học sinh đã chú ý lắng nghe!
Tân Phong, ngày tháng năm 2024
Tổ trưởng ký duyệt Người thực hiện
Phạm Quang Sao Bùi Thị Thảo
|