BÀI GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12 NĂM 2023
CUỐN SÁCH: TUỔI THƠ DỮ DỘI
Kính thưa quý thầy cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
- Viết về anh bộ đội Cụ Hồ, nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:
Hoan hô anh Giải phóng quân.
Kính chào Anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang: bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi.
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đã trở thành linh hồn của cuộc chiến tranh vệ quốc và là hình ảnh đẹp nhất của văn học Việt Nam. Viết về các anh là viết về những đôi tay đã làm nên hình hài, dáng vóc thân thương của non sông đất Việt. Huyền thoại về những người lính gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước. Trong đó không thể không nhắc tới những chiến sĩ thiếu niên anh hùng. Hướng tới Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thư viện trường THCS Tân Phong xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội” của nhà văn Phùng Quán.
Nhận xét về cuốn sách, nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện đã từng viết: cuốn "Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, độc giả bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì ly kỳ, khi thì hài hước, lúc lại gây xúc động đến ứa nước mắt... Tôi chỉ mong làm sao cho tất cả thiếu nhi Việt Nam đều đọc được cuốn sách này". Quả thật, đây là một bộ sách kì vĩ, một nguồn tư liệu lịch sử đáng quý, được nhà văn Phùng Quán viết trong 18 năm trời ròng rã. “Tuổi thơ dữ dội” kể về cuộc đời chiến đấu hoàn toàn có thật của những chiến sĩ thuộc tổ trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân, những chú bé chỉ mới trạc 13, 14 tuổi đời. Với tuổi đời còn quá trẻ nhưng các em đã phải gồng gánh trên đôi vai của mình biết bao những lo toan, trăn trở, hiểm nguy, nhọc nhằn và cả vận mệnh của dân tộc. Mang trong mình một lí tưởng sống cao đẹp, một tình yêu tha thiết với cách mạng, các em đã đi theo lời dặn thiêng liêng của Bác: “Hãy quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Trước khi tham gia kháng chiến, các em chỉ đơn thuần là những cậu bé bán bánh mì, bán kẹo vừng, kẹo lạc… Nhưng sau khi gia nhập Vệ quốc đoàn, các em đã trở thành những tấm gương anh dũng, quật cường của biết bao thế hệ thiếu niên Việt Nam. Và có lẽ nổi bật hơn cả là mảnh đời của ba chiến sĩ nhỏ tuổi: Mừng, Quỳnh và Lượm.
Quỳnh sơn ca là một cậu bé trắng trẻo và tài năng, sinh ra trong một gia đình quý tộc của thành phố Huế, em vì yêu những bài hát cách mạng mà đi theo cách mạng. Những cơn sốt rét và căn bệnh tim khiến cho cậu bé đa tài Quỳnh sơn ca gầy gò, xanh lét. Những ngày nằm trong bệnh xá trung đoàn, em lấy lá cây vả khô, lấy tờ giấy ghi đơn thuốc để viết vở nhạc kịch về Mừng, về người bạn thân thiết nhất của em đã đi khắp cả thành phố Huế tìm lá thuốc cho mẹ. Em không uống một viên thuốc, không ăn một miếng bánh mà ba mạ gửi cho em, em không về đi du học Thụy Sĩ vì ba em là một tên Việt gian đầu sỏ. Với tiếng hát vút cao, em hát ca khúc “Sông Ô Lâu kháng chiến” do chính em sáng tác, em hát bằng tất cả sức sống yếu ớt của mình, khi em hát xong bài hát ấy cũng là lúc em trút hơi thở cuối cùng, trái tim em đã vỡ khi vở nhạc kịch còn dang dở…
Bên cạnh đó là hình ảnh chú bé Lượm. Lượm chính là hình mẫu lí tưởng cho sự can trường, quả cảm và cam chịu. Lượm sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lượm đã trở thành thiếu niên trinh sát từ khi còn nhỏ để nối tiếp sự nghiệp còn dang dở của cha anh. Trong Vệ Quốc Đoàn, Lượm được coi là thành viên đáng tin cậy nhất nên em được giao nhiều nhiệm vụ, nhiều thông tin mật. Chính vì thế em cũng là một trong số những nạn nhân của tên Việt gian Kim. Cuối cùng Lượm bị bắt và áp giải đến nhà lao Thừa Phủ. Mới mười lăm tuổi đời nhưng Lượm đã phải gồng mình đấu tranh với biết bao thử thách. Em phải đấu tranh với cuộc sống nhà tù dơ bẩn, nhớp nháp, bệnh tật và thiếu thốn đủ đường. Em đấu tranh với chế độ nhà tù và còn phải đấu tranh với chính bản thân mình mỗi khi cảm thấy bất lực và gục ngã. Thế nhưng với niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của một chiến sĩ cách mạng, Lượm đã đứng lên và trở thành “anh hùng nhà tù”, cảm hóa được những thế lực, băng đảng nổi loạn và đánh lạc hướng lũ bán nước và cướp nước để mở đường cho cuộc vượt ngục lần thứ ba thành công.
Để lại day dứt nhất trong lòng người đọc đó chính là cậu bé Mừng. Em trong sáng và ngây thơ một cách lạ kỳ. Em đã từng đi khắp nơi, trèo lên tất cả những ngọn cây bút để tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Em tham gia Vệ quốc đoàn cũng đơn giản vì muốn sau giải phóng, mẹ em và những người như mẹ em được chữa khỏi bệnh. Chính vì em ngây thơ nên em bị Kim- một kẻ phản bội cách mạng lừa gạt. Kim đã lợi dụng sự thơ ngây của Mừng để chụp trộm bản đồ chiến khu, rồi để Mừng mang tiếng oan là Việt gian. Em trở lại chiến khu trong sự nghi kị, ghét bỏ của bạn bè, của các chú, các anh. Ngay cả lần gặp lại mẹ trước khi mẹ mất, mẹ cũng nghĩ em làm Việt gian mà chết trong tức tưởi. Nhưng em đã kịp làm một nhiệm vụ của người chiến sĩ vệ quốc đoàn trước khi em hi sinh đó là chỉ ra vị trí quân giặc để chỉ huy chiến khu ném bom. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, em vẫn cố gắng để nói với người trung đoàn trưởng: “Anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”. Em sống mãi ở cái tuổi mười ba ngây thơ và trong sáng, em đã hi sinh như những người con trung kiên khác của dân tộc…
Mỗi chúng ta hôm nay sẽ cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được sống và học tập trong hòa bình, được yêu thương trong vòng tay cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Nhưng những mảnh đời nhỏ bé, sinh ra và lớn lên trong thời kì loạn lạc thì lại không may mắn như vậy. Các bạn nhỏ trong cuốn sách, cho dù mỗi người có một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều tự hào về một Việt Nam anh dũng, kiên cường, căm ghét kẻ thù, và hơn hết mọi trái tim đều hướng về một lí tưởng sống cao đẹp. Tuổi thơ của họ dữ dội nhưng ý nghĩa và cao cả bởi họ đã sống, đã hi sinh hết mình cho quê hương, đất nước.
Với giọng văn chân thực, đầy xúc động,“Tuổi thơ dữ dội” thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam, là một câu chuyện khơi dậy tình yêu nước và niềm trân trọng kí ức tuổi thơ. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ được bạn đọc của thư viện trường đón nhận như là một món quà trong những ngày cả dân tộc thi đua lập thành tích chào mừng Ngày Hội Quốc phòng toàn dân.
Tân Phong, ngày 11 tháng 12 năm 2023
Tổ trưởng ký duyệt Người thực hiện
Phạm Quang Sao Bùi Thị Thảo
|